Người làm thương hiệu gạo AC5 xứ Nghệ.

Người làm thương hiệu gạo AC5 xứ Nghệ.

  03/08/2016

  Admin

Anh Phan Văn Hòa Sau 10 năm nung nấu ý tưởng, 15 năm cần mẫn, chắt chiu đầu tư gần 6 tỷ đồng vật lộn với đồng ruộng, anh Phan Văn Hoà từ nông dân trở thành Giám đốc Cty TNHH Vĩnh Hoà, một Cty chuyên cung cấp giống lúa AC5 chất lượng cao, một mô hình cơ giới hoá nông nghiệp đồng bộ và làm nên thương hiệu gạo sạch, an toàn nổi tiếng của xứ Nghệ...

Đưa chúng tôi đi xem cánh đồng sản xuất lúa giống AC5 nguyên chủng trĩu hạt dưới nắng vàng tại xã Vĩnh Thành, anh Phan Văn Hoà, Giám đốc Cty TNHH Vĩnh Hoà (Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An) phấn khởi khoe: Để có được giống lúa thơm chất lượng cao AC5 trên đất này tôi đã phải vật lộn với nó gần 7 năm, từ vay mượn bạn bè, người thân, cầm cố cả nhà cửa...

Cuối cùng số phận cũng mỉm cười với chúng tôi: Giống lúa AC5 được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức là giống lúa quốc gia (tháng 8/2007). Đổ bao gạo AC5 lên bàn cho chúng tôi xem từng hạt, anh Hoà cho biết thêm: AC5 là giống lúa thơm do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo bằng phương pháp nuôi cấy bao phấn con lai F5, của tổ hợp lai 10TGMS/C70/CR203 nên các anh xem hạt gạo thương phẩm trong bóng, nấu cơm ngon, thơm, dẻo vượt trội so với giống lúa IR1820 được nhiều nơi ưa chuộng trước đây. Đó là lý do khiến lúa AC5 của Cty được bà con nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Trong câu chuyện của mình, anh Hoà tâm sự: Sau 10 năm quân ngũ, đến năm 1984, tôi trở về quê hương (xã Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An) với chiếc thẻ bệnh binh 2/3. Thời đó kinh tế HTX, chẳng mấy ai quan tâm sản xuất. Năm 1985, tôi làm tờ trình xin lập đội SX giống cho xã Vĩnh Thành nhưng không được chấp nhận. Đang loay hoay chưa biết làm ăn ra sao thì thật may Chính phủ có chủ trương khoán hộ thế là vợ chồng tôi liều nhận 5 ha đất sâu trũng, hoang hoá ở cánh đồng Hói Sác mọc um tùm cỏ lác cạnh QL7A.

 

Nhận được đất khoán thật mừng nhưng chưa biết sẽ làm gì nên tôi quyết định cải tạo đất hoang thành ao để thả cá. Năm đó cá thắng lợi. Vụ thứ hai tôi quyết định dốc hết hầu bao thả tiếp 8 tạ cá giống. Không ngờ bờ bao làm thấp nên nước mặn tràn vào làm cá chết trắng đồng. Thế là trắng tay, gia sản gần như khánh kiệt. Hai vợ chồng đêm nào cũng trằn trọc không ai ngủ được, cuối cùng lại đánh liều cắm nhà cho ngân hàng để có vốn cải tạo ao nhiễm mặn sang làm lúa. Cầm được tiền trong tay, tôi thuê 10 con trâu mộng và 30 thợ cày, suốt ngày vật lộn với đồng ruộng thau chua, rửa mặn thế mà vụ đó lúa vẫn chết đứng vì không cấy kịp lịch thời vụ.

 

Bài học ấy khiến tôi nghĩ đến việc phải mua máy móc để cơ giới khâu làm đất thì mới kịp thời vụ. Tôi lại vay tiền lặn lội ra Hà Nội để tìm mua máy. Lần đó, tôi đã gặp may, được “ăn theo” đoàn công tác của Nhà máy cơ khí Nông nghiệp I sang Trung Quốc tham quan. Chuyến xuất ngoại này tôi đã liều mua một máy cày đa chức năng loại nhỏ của Trung Quốc đưa về làm đất. Từ đó, 5 ha nhận khoán trên cánh đồng Hói Sác mùa màng cứ thế bội thu. Được mùa, trả được nợ nần, nhưng điều khiến tôi trăn trở mãi vẫn là chuyện giống. Cả huyện, cả tỉnh... đâu đâu cũng gieo cấy giống lúa lai Trung Quốc, giá giống vừa đắt vừa không chủ động trong sản xuất. Tại sao mình không tìm các giống lúa thuần vừa rẻ, vừa tự SX giống nhỉ? Nghĩ vậy, đầu năm 2000, tôi được Phòng Công thương huyện Yên Thành tư vấn và làm giúp thủ tục xin thành lập công ty lấy tên là Cty TNHH Vĩnh Hoà. Có cơ sở pháp lý trong tay, tôi lại lặn lội ra Hà Nội “tầm sư, học đạo”.

 

Thật may, tôi được GS - Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam hết lòng cổ vũ và giúp đỡ. GS Hoàng đã tận tình dắt tôi đến Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm ở tận Hải Dương xin cho tôi 16 loại giống lúa về tự khảo nghiệm, tiếc là bị thất bại. Năm 2001 tôi quay lại Viện lấy thêm 9 loại giống khác về khảo nghiệm vụ xuân nhưng vẫn thất bại. Không chịu khuất phục, năm 2003, tôi lại khăn gói ra Hà Nội lần thứ 3 và lại được cấp thêm 9 loại giống khác (trong đó có AC5) để khảo nghiệm vụ hè thu..., cuối vụ đã có 2 giống lúa thành công là P1 và AC5. Vụ xuân 2004, tôi đưa giống P1 ra làm thử, còn giống AC5 vẫn được bí mật.

 

 

Năm 2006, gạo AC5 mới bắt đầu được bán thăm dò tại thị trường Thủ đô và một số địa phương, ngay lập tức nó đã giành được sự tín nhiệm cao, lấn át cả gạo Thái Lan nhập khẩu. Cung không đủ cầu. Từ đó anh vững tin hoàn tất nốt các thủ tục mua bản quyền và xây dựng thương hiệu gạo mang tên Xứ Nghệ.


Vụ ấy lúa P1 phát triển tốt, bông nhiều trĩu hạt nhưng thật oái ăm cuối vụ tại xã Vĩnh Thành gặp trận lốc lớn nên lúa P1 bị đổ rạp xuống ruộng thế là mất toi. Vụ hè thu năm đó tôi phải mang giống lúa AC5 ra để làm tiếp. Để vợ con đỡ nản lòng, tôi đến nhà một số bạn bè là cựu chiến binh vận động họ giành một ít ruộng làm thử giống lúa mới AC5. Điều làm tôi mừng đến rơi nước mắt là lúa AC5 đã gặt hái thành công. Vững tin, vụ xuân 2005, tôi liền tung giống AC5 ra toàn xã Hoa Thành, vụ đó cả huyện Yên Thành náo nức trước những thành công mà giống AC5 mang lại. Từ đó đến nay giống lúa AC5 lần lượt chiếm lĩnh ruộng đồng nhiều huyện Đô Lương (32/33 xã), Diễn Châu, Hưng Nguyên... với năng suất bình quân 3,3 tạ/sào (6,6 tấn/ha).

Nhờ mạnh dạn áp dụng quy trình: Cty ký hợp đồng cung cấp giống, phân, kỹ thuật... cuối vụ mua lại thóc thương phẩm cho nông dân. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm anh Phan Văn Hòa đã thu mua trên dưới 10.000 tấn thóc AC5 thương phẩm cho nông dân với giá gấp rưỡi lúa lai để chế biến thành gạo và bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Để xây dựng thương hiệu gạo AC5 Xứ Nghệ an toàn, chất lượng anh Hoà đã phải mang gạo ra Hà Nội yêu cầu kiểm định về dư lượng thuốc BVTV, nitrat, chì... Điều khiến Trung tâm kiểm nghiệm ngạc nhiên là gạo AC5 thương phẩm của anh có độ an toàn tuyệt đối, các dư lượng thuốc BVTV, chì và nitrat thấp hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

 

theo Bao Nong Nghiep Viet Nam