03/08/2016
BỖNG DƯNG ĐƯỢC LÊN “GHẾ NÓNG”
Tiếp chúng tôi tại trụ sở của Cty TNHH KHCN Vĩnh Hòa là một người đàn ông chất phác, hơi gầy nhưng có nét mặt đôn hậu với nụ cười thường trực trên môi. Đó là GĐ Phan Văn Hòa. Bên chén trà bốc khói, không giấu được niềm vui, ông Hòa kể cho chúng tôi nghe chuyện ông vừa được mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến “Nâng tầm giá trị gạo Việt” do Báo Sài Gòn tiếp thị tổ chức vào ngày 13/8/2013 tại TPHCM.
“Nói thật là hôm nhận được giấy mời kèm theo vé máy bay cả đi lẫn về từ BTC gửi ra cùng với lời đề nghị tôi bay vào TPHCM để giao lưu trực tuyến với khách hàng và báo chí xung quanh giống lúa VH1 do chúng tôi chọn tạo ra tôi cũng rất băn khoăn.
Nhưng điều làm cho tôi cảm động rơi nước mắt khi đã được mời ngồi lên “ghế nóng” là không ngờ khách hàng, người tiêu dùng gạo VH1 trong và ngoài nước cũng như giới báo chí lại quan tâm đặc biệt tới hạt gạo tím của mình đến thế.
Giống lúa VH1 vụ xuân 2013 tại xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Quả thật tôi đã thấy “choáng” khi nhìn xuống hội trường thấy chật ních khán thính giả. Cả trăm người đến chậm đã phải đứng ngoài hành lang để nghe. Theo BTC thì cuộc giao lưu trực tuyến hôm đó có 11 đài truyền hình khu vực và địa phương cùng với 127 phóng viên báo chí đã đến dự và đưa tin.
Ngồi trên “ghế nóng” cùng với tôi còn có TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, PGĐ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM và ca sỹ Linh Nga, chủ nhà hàng gạo (Văn phòng tại lầu 1, Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM).
Tại cuộc giao lưu này, tôi được khách hàng và báo chí hỏi rất nhiều vấn đề, nhất là xuất phát từ ý tưởng nào mà tôi lại quyết tâm mày mò để chọn tạo ra giống gạo VH1 quý giá này? Tương lai việc đưa giống lúa này ra thị trường? Lợi nhuận khi SX lúa VH1 ra sao so với lúa thường? Vì sao gạo thảo dược VH1 lại được thị trường từ Nam chí Bắc ưa chuộng? Ý tưởng của tôi trong việc phát triển giống lúa này tại địa bàn các tỉnh phía Nam sắp tới ra sao?...
Tôi đã trả lời cặn kẽ và giải thích đầy đủ để người tiêu dùng và báo chí hiểu tất cả những vấn đề trên và đã được mọi người chú ý lắng nghe... Từ cuộc giao lưu trực tuyến này, tôi tin rằng, trong một tương lai ngắn sản phẩm gạo VH1 sẽ thêm nhiều cơ hội để chiếm lĩnh thị trường gạo rộng lớn tại các tỉnh phía Nam.
Và điều đó đang tạo cho tôi những ý tưởng mới để làm sao đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và làm sao để cả DN và người nông dân đều cùng có lợi. Khi giống lúa VH1 của chúng tôi được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức thì việc mở rộng diện tích trên cả 2 vụ lúa ĐX và HT tại ĐBSCL sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. Và điều chắc chắn là VH1 sẽ là giống lúa bán được giá cao nhất cho người trồng lúa nước ở Nam bộ", ông Hòa chia sẻ.
THÀNH CÔNG TỪ CÁNH ĐỒNG NHẬN KHOÁN
Trong câu chuyện của mình, ông Hòa kể: Năm 1983, do sức khỏe yếu nên mặc dù đang giữ chức vụ Tiểu đoàn phó, tôi quyết định rời quân ngũ với mức hưởng trợ cấp bệnh binh 2/3. Về địa phương một thời gian, tôi bàn với vợ làm đơn xin xã nhận cải tạo 5 ha tại đầm hoang Hói Sác để khoán làm mô hình cá - lúa.
Hằng ngày hai vợ chồng làm việc cật lực trên cánh đồng vốn đã bị chua phèn lại bị nhiễm mặn tràn vào nên thắng ít, bại nhiều. Không nản chí, chúng tôi lại bỏ công sức ra đắp đập thau chua, rửa mặn, cải tạo để chuyển cánh đồng Hói Sác sang trồng lúa.
Hồi đó, để gieo cấy hết 5 ha ruộng nhận khoán, chỉ riêng tiền giống lúa lai Trung Quốc, nhà tôi đã phải bỏ ra tới 6 - 7 triệu đ/vụ. Thấy giá lúa lai đắt đỏ, tôi từ hỏi sao mình không tự tìm lấy một vài giống lúa thuần cho bà con đỡ phải mua giống lúa lai và khỏi phụ thuộc vào TQ?
Nghĩ vậy nên từ năm 2001 tôi đã bỏ công sức ra để tìm bằng được mấy giống lúa thuần chất lượng cao về làm thử. Năm đó, tôi nảy ra ý tưởng thành lập HTX SX giống lúa thuần nhưng không thành nên nhờ bạn bè tư vấn chuyển sang làm thủ tục thành lập Cty TNHH để có cơ hội thực hiện ý tưởng này.
Điều may mắn là tôi đã được Sở NN-PTNT Nghệ An ủng hộ. Cầm giấy giới thiệu của Sở, tôi lặn lội ra Hà Nội, tìm đến các việc nghiên cứu giống cây trồng nhờ giúp đỡ. Thậy may mắn là tôi đã được cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng nhiệt tình giúp đỡ.
Ông dắt tôi đến Viện CLT-CTP để chọn giống mà tôi đang cần về khảo nghiệm thử, sau đó sang Viện Cơ điện Nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch để lấy mẫu và quy trình SX phân bón vi sinh để về ứng dụng vào SX theo tiêu chuẩn VietGAP.
Kiên trì và âm thầm khảo nghiệm, cuối cùng giống lúa thuần AC5 (của Viện CLT-CTP) đã thỏa mãn các yêu cầu mà chúng tôi đặt ra. AC5 hội đủ các tiêu chí như năng suất cao, chất lượng gạo thơm, ngon lại chịu được hạn và sâu bệnh đồng thời thích nghi rộng trên các chân ruộng tại Nghệ An.
Liên tục từ năm 2005 (sau khi được công nhận chính thức) đến nay, năm nào AC5 cũng giành được năng suất trên dưới 7 tấn/ha nên chúng tôi đã mua bản quyền để SX giống lúa thương mại cho riêng mình. Riêng vụ xuân 2013, trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lúa AC5 đã đạt diện tích xấp xỉ 15.000 ha. Đây là giống lúa được Cty thu mua 100% sản phẩm thóc thương phẩm để chế biến gạo đặc sản mang thương hiệu “gạo xứ Nghệ”.
Trở lại với câu chuyện SX giống lúa thảo dược VH1, ông Hòa nhớ lại: Từ năm 2006, nhờ kiến thức học được từ Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, tôi âm thầm triển khai nghiên cứu, chọn tạo để tìm cho bằng được gen thuần cho giống lúa thảo dược này. Vật lộn mãi mới chọn lọc xong để đưa ra làm mô hình thí nghiệm trên cánh đồng nhận khoán.
Tuy đã nhìn thấy bông lúa màu tím Huế đang trĩu hạt trên ruộng thí nghiệm, nhưng khi vận động mọi người tham gia mô hình khảo nghiệm vẫn không ai dám nhận. Một số cán bộ đi xem ruộng thí nghiệm về vẫn còn dè bỉu, chê bai đủ thứ...
Trước tình hình đó, tôi đành lên xã Văn Sơn, huyện Đô Lương thuê 2 ha đất 2 lúa để SX khảo nghiệm và đã thành công. Các cụ xưa có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, từ đó mô hình khảo nghiệm mới mở rộng dần.
Nhờ các điểm khảo nghiệm giống lúa VH1 đều đạt năng suất trên 7,2 tấn/ha, chất lượng hạt cơm lại dẻo và thơm nên dần dần chúng tôi đã chinh phục được người nông dân.
Điều đáng mừng là tiếng vang của hạt gạo thảo dược VH1 đã khiến nhiều địa phương như Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh... tìm đến mua giống lúa này về khảo nghiệm.
Tư vấn bán hàng 1
Chuyên viên 0903 33 9397
Email:
thucduongtotha@gmail.com