Người biến gạo thành thảo dược quý

Người biến gạo thành thảo dược quý

  28/09/2018

  Cty TNHH Năng lượng sinh học Tô Thái Hòa

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng cả nước đã biết đến loại gạo màu tím có tên gọi chung là gạo thảo dược Vĩnh Hòa. Đây là loại gạo chứa nhiều vi chất quý, có công dụng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh. Nhưng ít ai biết rằng, người làm ra loại gạo có 1 không 2 này lại là một lão nông cựu chiến binh từng suýt mất cả nhà cửa trong hành trình gắn bó với cây lúa. 

Ông Hòa được chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng bằng khen

Biến đất mặn thành đất cày

Từ nhiều năm nay, người dân quê lúa ở huyện Yên Thành (Nghệ An) thường gọi người cựu binh Phan Văn Hòa (SN 1957, trú xã Vĩnh Thành) là “phù thủy vẽ màu cho hạt gạo” hay “ông Hòa gạo thảo dược”.

Sở dĩ họ gọi như vậy là bởi ông Hòa chính là người tạo ra giống lúa tím qúy chứa nhiều chất Vitamin A, B, E, sắt, canxi…và các chất chống ung thư như Omega 3, 6, 9.

Khác với hình dung của mọi người về một người đàn ông, doanh nhân thành đạt, ông Hòa có dáng người cao gầy, khuôn mặt hiền từ in nhiều vết nhăn do những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường, đậm chất nông dân gắn bó với đồng ruộng, dãi dầu mưa nắng. 

Ông Hòa chia sẻ: năm 17 tuổi ông đã trốn gia đình nhập ngũ, ghi tên vào sư đoàn bộ binh 316 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.

Sau khi đất nước thống nhất ông lại tiếp tục sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Năm 1984, do các vết thương tái phát nên ông xin xuất ngũ trở về quê hương với quân hàm thượng tá.

Trở về quê, thấy gia đình sống trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc, cả nhà trông vào cây lúa thì thất bát khiến ông rất buồn. Người cựu binh đã trằn trọc suy nghĩ nhiều đêm với mục đích tìm cách giúp vợ con bớt khổ. Ông Hòa nhận thấy mình sinh ra ở quê lúa, muốn thoát nghèo thì cũng phải xuất phát từ...lúa. 

Bắt đầu vào năm 1990, ông làm đơn xin chính quyền xã cho nhận 5 ha đất hoang ở đồng Hói Sác để trồng lúa. Nói là đồng nhưng thực chất nơi đây chỉ có lau lách và cỏ dại là thi nhau mọc lút bờ chứ trước ông Hòa chưa từng có ai trồng lúa.

Do đất ở đây nhiễm mặn nên trong vài năm đầu năng suất lúa rất thấp còn cá thì chết trắng đồng, gia đình ông trở thành trắng tay. 

Là một người lính được rèn luyện trong lửa đạn, ông Hòa không cho phép mình gục ngã, đầu hàng trước số phận. Thất bại trước mắt nhưng ông tiếp tục mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng thuê nhân công, máy móc cải tạo ruộng, đắp bờ ngăn mặn.

Được một cán bộ Viện Cơ giới Nông nghiệp giới thiệu, ông bán hết những gì có thể bán được sang Trung Quốc nhập ngay một máy cày mini. Vụ ấy, ông thắng lớn trên cánh đồng Hói Sác.

Vụ mùa thắng, ông Hòa vui nhưng niềm vui ấy vẫn chưa trọn vẹn, bởi lẽ từ khi quyết định gắn bó đời mình với cây lúa, ông cũng nhận ra giống lúa lai truyền thống vừa cho năng suất thấp lại không có giá trị trên thị trường.

Đau đáu với hạt gạo quê hương, lão nông đã thề nhất định sẽ tìm ra giống lúa thuần chủng mới. Nỗi trăn trong ông là: “Không lẽ đất nước của ba miền cày ruộng” mà phải phụ thuộc vào một giống lúa lai (tên gọi lúc đó là CR203), vừa đắt vừa bị động như vậy mãi sao”. 

Người cựu binh Phan Văn Hòa – chủ nhân của gạo tím thảo dược

Gian nan đi tìm cây lúa tốt

Ngay sau khi thắng vụ mùa đầu tiên, người cựu chiến binh đã “khăn gói” đi tìm giống lúa mới. Ông lên huyện, lên tỉnh nhưng ở đó không có đáp án mà ông cần tìm.

Ông nghĩ rằng mình phải ra trung ương, gặp những giáo sư, những nhà khoa học đầu ngành để tìm câu trả lời. Nhưng muốn làm được điều đó trước hết phải có kiến thức chuyên ngành. 

Thế rồi, người cựu binh đã đưa ra một quyết định khiến mọi người ngã ngửa, đó là thi và học hệ đại học tại chức tại trường Nông nghiệp 1 Hà Nội khi đã gần 40 tuổi.

Thời gian đó, ông Hòa vừa học vừa tìm kiếm cơ hội khảo sát thị trường gạo và các giống lúa trong cả nước. Trong mấy năm, ông đã tìm kiếm và đưa hàng trăm giống lúa về trồng thử nghiệm nhưng không loại nào cho năng suất và hiệu quả như ông muốn.

Năm 2004, trong lần tìm đến Viện giống cây trồng ở Hà Nội để tìm kiếm nguồn giống tốt, ông Hòa đã được GS.VS Vũ Tuyên Hoàng (Chủ tịch hội Khoa học – Công nghệ Việt Nam lúc bấy giờ) giới thiệu cho loại thóc giống mà viện vừa nghiên cứu có tên gọi AC5. Từ 5 lượng lúa giống này, ông Hòa đã đem gieo trồng thành công và cho thu hoạch 3,2 tạ /sào.

Đặc biệt giống lúa này hạt mẩy, thơm dẻo có giá trị vượt trội so với các giống ngoại. Từ thành công ban đầu, năm sau ông cho nhân giống trồng đại trà rồi đi tư vấn cho nhiều bà con ở các huyện lân cận trồng giống lúa mới.

Vì muốn giữ bản quyền giống lúa AC5 này, ông Hòa quyết định thành lập công ty  do ông làm giám đốc. Để khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn trồng giống lúa mới, công ty ông đã quyết định bao tiêu lúa AC5 với giá cao rồi đưa ra thị trường cạnh tranh với các loại gạo Thái được ưa chuộng lúc bấy giờ. Chỉ trong vòng vài năm, AC5 đã nhanh chóng trở thành thương hiệu gạo nổi tiếng của xứ Nghệ.

Người cựu binh Phan Văn Hòa – chủ nhân của gạo tím thảo dược

Lúa tím diệu kỳ

Thành công ngoài mong đợi của lúa AC5 vẫn chưa làm thỏa mãn người cựu chiến binh. Ông lại tiếp tục trăn trở, mong muốn có thêm một giống lúa đặc biệt khác.

Với vốn kiến thức có được từ trường đại học và kinh nghiệm thực tế, sau gần 2 năm tự mày mò, tìm tòi, từ năm 2006 đến năm 2008, ông Hòa đã cho ra một loại lúa mới mà ai nhìn thấy cũng “hết sức ngạc nhiên” và “không thể nào tin nổi”, đó chính là giống lúa tím thảo dược. 

Đáng nói, trong suốt quá trình làm ra giống lúa này, ông không được ai ủng hộ vì ai cũng cho rằng ý tưởng của ông là “điên rồ chưa từng thấy”. Tự ông một mình âm thầm, hết ở trong phòng kín đến ra chân ruộng, hết bổ sung dinh dưỡng cho cây đến lai các giống với nhau, qua bao nhiêu thất bại cuối cùng có hai bông lúa màu tím ra đời. 

Nhìn thấy thành quả, ông vui đến nỗi ngồi đếm từng hạt lúa trên bông. Từ hai bông lúa tím đầu tiên, ông gieo được chừng 2m2 mạ. Lá mạ mỗi ngày một tốt, ông mừng thầm trong bụng. Nhưng khi đem mạ ra đồng thì lại gặp lũ, khiến ông bao phen cấy xuống rồi lại phải bưng lúa lên, chăm bẵm hơn cả con trẻ. 

Kết quả là năng suất vượt xa AC5, đạt 3,7 tạ /sào. Một điều đặc biệt nữa là cây lúa này đổi màu theo từng giai đoạn phát triển. Lúc gieo mạ thì có màu tím biếc, khi lúa phát triển chuyển sang màu xanh đậm, khi trổ bông lại đổi màu tím Huế, nhìn rất đẹp mắt.

Chưa kịp mừng vì nghiên cứu của mình thành công, ông Hòa đã vấp phải sự phản đối từ chính bà con nông dân. Ông cho biết, vì bà con thấy màu lúa lạ quá, định không gieo mạ nữa trong lúc mầm lúa đã lên đủ ngày. Nguyên do là bởi trong lúc ủ mộng, mầm lúa có màu tím thay vì màu trắng như các giống lúa thông thường, bà con tưởng mầm bị thối, bị nhiễm bệnh nên tẩy chay. 

Sau bao phen giải thích đến khản cả cổ, thậm chí phải ký cam kết bao tiêu đầu ra với giá gấp đôi giống lúa thông thường, họ mới chịu gieo trồng. Vậy mà vẫn chưa hết khổ, khi lúa trổ bông thì nó chuyển sang màu tím nhưng trên một số lá có hiện tượng lốm đốm vì chuyển màu chưa hết, cán bộ bảo vệ thực vật đến xem khẳng định là bệnh lạ, dân lại nhốn nháo, ông Hòa lại phải cam kết không biết bao nhiêu lần nữa.

Vụ mùa năm 2008, lúa thảo dược được bà con thu hoạch với năng suất 3,8 tạ /sào. Ông Hòa mua với giá gấp đôi lúa thường nên ai cũng phấn khởi. Đâu đâu người ta cũng bàn về giống lúa thảo dược. Cũng từ năm này, ông lấy tên Vĩnh Hòa, tên công ty, đặt cho giống lúa mới - giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1. 

Có được vụ mùa đầu bội thu, ông Hòa lại nghĩ đến chuyện kiểm định chất lượng cho giống lúa mới của mình. Ông “khăn gói quả mướp” mang lúa tím đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Quates1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng VN và Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia. 

Kết quả kiểm nghiệm khiến ai nấy đều hết sức kinh ngạc vì giống lúa này có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, trong đó: hàm lượng canxi (mg/100g) đạt 16,6; hàm lượng sắt đạt 1,1; và hàm lượng Vitamin A đạt 57,0. Đặc biệt hơn nữa, bởi vì chất Omega quý hiếm chỉ có duy nhất trong trứng cá hồi, thì nay lại xuất hiện trong thành phần dinh dưỡng của giống lúa tím này, với hàm lượng Omega 9 là 1.290,0, và hàm lượng Omega 6 là 6,5. 

Từ những hàm lượng chất dinh dưỡng này, các nhà khoa học nhận định gạo thảo dược có công dụng hỗ trợ chữa trị và ngăn ngừa các bệnh: ung thư, tiểu đường, huyết áp, tim mạch, chống béo phì..., đặc biệt dùng rất tốt cho trẻ em và người già, người mới ốm dậy...

Cầm kết quả kiểm định trong tay, ông Hòa mừng rớt nước mắt. Ngay cả những cán bộ kiểm định cũng vui mừng thay ông. Vậy là mong muốn có được một giống lúa đặc biệt của người cựu binh già đã thành sự thật. 

Ngay sau đó, trong các cuộc hội theo Khoa học – Công nghệ trong và ngoài nước, đề tài về lúa tím thảo dược của ông luôn khiến các nhà khoa học trong và ngoài nước trầm trồ thán phục. Các nước lớn như Mỹ, Nhật, Hàn... cũng cử đoàn về tham quan cơ sở, và cho biết trên thế giới chưa một giống lúa nào đạt được nhiều công dụng như loại lúa tím thảo dược này.

Người cựu chiến binh chia sẻ, ý tưởng của ông khi làm ra loại lúa tím thảo dược này đó là mong muốn có được một loại lúa vừa có lợi cho sức khỏe, cho cộng đồng, và nhất là có lợi cho người nông dân.

Bởi lẽ, quá trình làm ra cây lúa rất vất vả, mệt nhọc nhưng tiền thu về lại chẳng được là bao. Từ thành công ban đầu, ông Hòa tiếp tục nghiên cứu và lần lượt cho ra đời các giống lúa: Vĩnh Hòa 2, Vĩnh Hòa 3, Vĩnh Hòa 4 với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, tiêu biểu là các vi chất Omega 3, 6, 9.

Với những lợi ích từ giống lúa này mang lại, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đã cử người đến công ty của ông Hòa để tìm hiểu, đặt mua giống đem về gieo trồng tại địa phương mình đồng thời đã nhanh chóng được người dân đón nhận, trở thành loại thức ăn quen thuộc trong bữa ăn của các gia đình.

Một góc thành tích mà người cựu binh già đạt được trong quá trình sản xuất lúa gạo

Độc đáo trà gạo thảo dược từ... rơm

Khi tiếp xúc, một điều mà người đối diện dễ nhận thấy ở người cựu chiến binh già này đó là tinh thần ham học hỏi và sự nỗ lực không ngừng nghỉ.

Không chỉ dừng lại ở gạo, ông Hòa còn mong muốn đưa những dược liệu quý này vào trong nhu cầu đời thường của mọi người, và thế là những sản phẩm như: Trà gạo thảo dược, bột gạo thảo dược, bánh gạo thảo dược được làm từ cây lúa tím nối tiếp nhau ra đời.

Đầu tiên phải kể đến loại trà thảo dược độc đáo được làm từ... rơm. Theo lời ông Hòa, không chỉ có lúa, gạo, mà ngay trong thân cây lúa thảo dược này cũng có chứa nước màu tím. Khi gặt lúa nước màu tím này dính đầy tay, khi bóp thân cây thì cũng thấy chảy ra nước màu tím. 

Có lần trong khi thu hoạch lúa thì gặp trời mưa, lúc đó cả ruộng nhuộm một màu tím rất lạ. Không những vậy, những con trâu khi được thả ngoài đồng cũng thường tìm đến ruộng trồng lúa tím để ăn lúa dù đuổi thế nào chúng cũng không chịu đi.

Ai nấy đều lấy làm lạ bởi xung quanh có rất nhiều ruộng lúa khác nhưng trâu bò lại chỉ tìm đến ruộng lúa tím để ăn.

“Có thể là vì trong thân cây lúa thảo dược chứa nhiều chất dinh dưỡng và có mùi thơm nên mới thu hút trâu bò như thế. Từ đó, tôi nghĩ rằng trong hạt gạo chứa nhiều chất quý thì trong thân cây chắc cũng vậy.

Tôi liền cầm thân lúa ra Hà Nội phân tích thì phát hiện trong thân thậm chí còn chứa các vi chất Omega 3, 6, 9 với hàm lượng cao hơn cả trong gạo. Do vậy tôi mới nảy sinh ý tưởng sản xuất trà thảo dược từ thân cây lúa tím thảo dược”, ông Hòa hồ hởi cho biết.

Với mong muốn sản xuất một loại trà có lợi cho sức khỏe và được người tiêu dùng ưa chuộng, ông Hòa lại bắt tay vào nghiên cứu và đi tham quan học hỏi ở các nhà máy sản xuất trà rồi quyết định mua máy móc dây chuyền về sản xuất. Song song với đó, ông cũng vừa bao tiêu lúa, vừa mua luôn cả rơm, rạ của giống lúa tím này, qua đó tạo thêm thu nhập cho người nông dân.

Đầu tháng 6/2014, sản phẩm trà gạo thảo dược Vĩnh Hòa chính thức ra lò với kết quả ngoài mong đợi khi được người tiêu dùng khắp nơi tin dùng. Mẻ đầu tiên công ty ông chỉ sản xuất và bán ở phạm vi hẹp để thăm dò thị trường, nhưng không ngờ lại thu được nhiều thành công. Không chỉ người tiêu dùng trong nước mà một số người nước ngoài cũng gọi về để đặt hàng. 

Từ khi biết được tác dụng của thân cây lúa, sau mỗi mùa thu hoạch, bà con nông dân đều giữ lại vài bó rơm lúa tím phơi khô, treo trong nhà làm trà uống dần. Lúc nấu trà thảo dược này có mùi thơm phức, khi uống thì vị dịu nhẹ cho cảm giác rất thư thái. Không ai nghĩ những bó rơm bỏ đi lại có thể nấu được loại trà hay ho đến vậy.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, ông Hòa đang tiếp tục mở rộng nhà máy, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất hiện đại với tham vọng đưa trà gạo thảo dược Vĩnh Hòa xuất ngoại.

Không dừng lại ở trà, ông Hòa còn tiếp tục đầu tư dây chuyền máy móc để tạo ra các sản phẩm mới là bánh gạo thảo dược và bột dinh dưỡng thảo dược.

Một phút ngẫu hứng Bản đồ Việt Nam với lúa tím thảo dược của ông Hòa

Ngoài ra, hiện tại ông đang ấp ủ kế hoạch sản xuất nước giải khát thảo dược. Nếu không có gì thay đổi, loại nước giải khát bổ dưỡng này sẽ ra lò vào cuối năm nay.

Một điều đáng lo ngại, theo ông Hòa chia sẻ, thì hiện tại vì những công dụng có trong gạo thảo dược, nên nhiều cá nhân và đơn vị đã lợi dụng logo và thương hiệu gạo thảo dược của ông để lừa đảo người tiêu dùng bằng gạo giả nhuộm phẩm màu.

Loại gạo giả này rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều khách hàng quen đã phản ánh với công ty về vấn đề này, tuy nhiên bản thân ông không có kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề như làm giả thương hiệu hay vi phạm bản quyền.

Do đó, ông mong muốn người tiêu dùng phải thật tỉnh táo khi mua và sử dụng gạo thảo dược, để tránh tình trạng tiền mất tật mang.

nguồn:http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/phu-thuy-bien-gao-thanh-thao-duoc-quy-293463.html

 

Hỗ trợ trực tuyến

Tư vấn bán hàng 1

Chuyên viên 0903 33 9397

Email:

thucduongtotha@gmail.com

ĐỒNG HÀNH MÙA COVID