“Ông Hòa lúa tím”, “Hòa gạo thảo dược”… là những cái tên mà người dân quê lúa Yên Thành đặt cho CCB Phan Văn Hòa ở xã Vĩnh Thành, người được ví như “phù thủy” cho hạt gạo chuyển màu trong thời gian qua. Bằng tâm huyết của mình, ông đã từng bước làm tăng giá trị của cây lúa, hạt gạo bằng cách lai tạo, nhân giống, giúp người nông dân thêm no ấm.
Tạo thương hiệu cho giống lúa nội
Sau nhiều lần liên lạc, tôi về xã Vĩnh Thành để tìm gặp lão “phù thủy” nông dân Phan Văn Hòa, người đã tạo thương hiệu vượt trội cho giống lúa nội lên ngôi. Trước mắt tôi là người đàn ông có dáng cao gầy, khuôn mặt hiện lên nhiều nét khắc khổ theo thời gian. Sinh năm 1957, 17 tuổi, ông Hòa ghi tên mình vào Sư đoàn Bộ binh 316 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn.
Sau ngày đất nước thống nhất, vì nhiệm vụ của Tổ quốc giao phó, ông tạm gác ruộng nương, gia đình trở lại đơn vị rồi biền biệt hơn chục năm sang Cam Pu Chia làm nhiệm vụ quốc tế. Đến năm 1984, ông Hòa trở về quê hương với thương tật bệnh binh 2/3, mất sức khỏe 61%, trong điều kiện khốn khó, cái ăn, cái mặc trở thành nỗi lo từng bữa, từng ngày. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Hòa tự nhủ lòng mình phải đứng lên để vỡ đất trồng lúa, tìm hướng đi mới no ấm được.
Nghĩ là làm, đầu năm 1990, ông mạnh dạn làm đơn xin chính quyền xã Vĩnh Thành cho nhận 5 ha đất hoang vùng đồng Hói Sác để vỡ ruộng thả cá. Tuy nhiên, chỉ được một mùa thu hoạch thắng lợi, đến vụ thứ 2, ông trắng tay vì đất nhiễm mặn, cá chết trắng đồng.
Không chịu bó tay trước thất bại, khi cơ chế của Nhà nước mở cửa, khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, ông Hòa đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư máy móc, thuê nhân công cải tạo ruộng, đắp bờ ngăn mặn để trồng lúa nước.
Ông Phan Văn Hòa trò chuyện, giới thiệu về gạo thảo dược |
Thế nhưng, với cây lúa truyền thống, năng suất vừa thấp lại không có giá trị trên thị trường khi bán ra, ông phải suy nghĩ tìm hướng đi mới trên chính ruộng lúa của mình. Năm 2004, qua tìm hiểu sách báo, ông Hòa ra tận Viện giống cây trồng ở Hà Nội để tìm giống lúa mới cho năng suất cao.
Tìm gặp GS.VS Vũ Tuyên Hoàng - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nài nỉ mãi, ông Hòa mua được 5 gam lúa AC5, cất kỹ vào túi hăm hở về quê trong niềm tin khát vọng khảo nghiệm. Thế rồi, từ những hạt giống quý giá ấy, ông đem gieo trồng thành công cho năng suất 3,2 tạ/sào, vượt trội so với các loại lúa thông thường nhập ngoại.
Khi thu hoạch, gạo AC5 có ưu điểm hạt mẩy, nấu lên thơm, dẻo được nhiều người ưa thích. Năm sau, ông mạnh dạn nhân giống gieo trồng đại trà trên cánh đồng ruộng của mình. Chưa dừng lại ở đó, ông còn tự mình đến từng đồng ruộng các xã trong huyện Yên Thành và các huyện lân cận như: Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… để tư vấn cho bà con cách gieo trồng giống lúa chất lượng cao AC5.
Tiếng lành đồn xa, thương hiệu “Lúa gạo xứ Nghệ” sau khi được Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa do ông Hòa làm giám đốc ký mua bản quyền giống lúa AC5 với Viện cây lương thực, khách hàng trong và ngoài nước tìm đến ngày một đông. Và, cái quan trọng là ông đã giúp người nông dân có một loại giống lúa nội ưu Việt, không phải lệ thuộc vào giống lúa nhập khẩu từ Trung Quốc như trước đây nữa.
“Vẽ màu” cho hạt gạo
Khi có ý định tìm hiểu vì sao hạt gạo trắng truyền thống đã nuôi dưỡng bao thế hệ kiếp người nay lại được chuyển thành màu tím, tôi thực sự tò mò. Vào google.com, gõ cụm từ “lúa tím Nghệ An”, trong vòng 0,26 giây đã cho ra 280.000 kết quả liên quan. Kỳ thực, giống lúa tím đã hút mắt rất nhiều độc giả gần xa.
Từ thành công trong việc nhân rộng giống lúa thuần chủng AC5, ông Hòa lại trăn trở, tìm tòi làm sao để cho ra giống lúa gạo đặc biệt. Như lời ông tâm sự với chúng tôi: “Lâu nay, nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, họ không mạnh dạn dám rót vốn vào ngành nông nghiệp, trực tiếp là cây lúa. Ước mơ của tôi là biến nông nghiệp thành ngành kinh tế năng động, ruộng đồng phải trở thành điểm tham quan, du lịch”.
Ông quả quyết rồi đưa ra bằng chứng là từ năm 2005, mạch ý tưởng về lai tạo một giống lúa đặc biệt hình thành bằng cách lai tạo các loại giống lúa với nhau. Và điều bất ngờ là sau 2 - 3 năm âm thầm khảo nghiệm, giống lúa tím đã được ra đời, gieo trồng cho năng suất 3,8 tạ/sào.
Tác giả của giống lúa tím (gạo thảo dược) bên cánh đồng của mình |
Điều vui mừng đến với giống lúa tím khi chất lượng của nó giống như một loại gạo thảo dược khi ông Hòa đưa đi kiểm nghiệm tại Tổng cục Đo lường chất lượng thì cho ra các chỉ số: Hàm lượng canxi (đơn vị mg/100g): 16,6; hàm lượng sắt: 1,1; hàm lượng vitamin A: 57,0; hàm lượng Omega 9: 1.290,0; hàm lượng Omega 6: 6,5.
Theo các nhà khoa học thì loại gạo này có khả năng kháng bệnh cho con người rất cao. Để nhân rộng, ông hướng dẫn trực tiếp cho bà con nông dân gieo trồng rồi khi thu hoạch mua với giá gấp đôi giá lúa thông thường. Dễ gieo cấy, khả năng kháng sâu bệnh tốt, lại cho năng suất cao, giá bán hấp dẫn, từ năm 2008, giống lúa tím thảo dược đã tạo “cú hích” cho bà con nông dân.
Ông Hòa cho biết, khi gieo trồng ban đầu có màu tím biếc, lúc thời kỳ làm đòng cho màu xanh đậm và khi trổ bông thì chuyển sang màu tím, hạt gạo cũng vậy. Đến nay, giống lúa này không chỉ được gieo trồng ở trong tỉnh mà còn được các doanh nghiệp tìm đến mua giống nhân rộng, thậm chí đã có hàng trăm ha lúa tím được gieo trồng thử nghiệm thành công trên đất nước Lào.
Hiện tại, gạo tím thảo dược của Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa đã có mặt tại thị trường trong Nam, ngoài Bắc và hướng tới xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Khi gạo tím thảo dược có chứa hàm lượng Omega cao đến tay người tiêu dùng, hàng trăm lá thư trên mọi miền Tổ quốc đã gửi đến ông Hoà, cảm tạ về loại gạo đã giúp họ điều trị được căn bệnh tiểu đường, cao huyết áp…
Nhiều người nông dân ở tận đồng bằng sông Cửu Long lặn lội ra huyện Yên Thành để tìm gặp ông, xin được mua giống về gieo trồng. Rồi cả đoàn khách từ Sơn La, Lào Cai… cũng về tận nơi, tận mắt chứng kiến cả một cánh đồng lúa tím lạ mắt bạt ngàn mà chưa bao giờ họ nghĩ nó sẽ có thật.
Ông Hoà tâm sự: “Đã đến lúc phải phủ một màu sắc mới cho cây lúa bao đời gắn bó với người nông dân. Tương lai nghề nông phải gắn với nghề du lịch, cho du khách tham quan trên những cánh đồng lúa đầy đủ sắc màu. Sắp tới, tôi sẽ cho ra thị trường loại trà thảo dược có công dụng hỗ trợ chữa bệnh, chiết xuất từ gạo tím”.
Quả quyết, táo bạo như vậy, ông Hòa còn nói với chúng tôi, ngoài giống lúa gạo thảo dược 1 màu tím, sắp tới sẽ lai tạo ra 3 loại gạo thảo dược với 3 màu sắc khác nhau: Gạo thảo dược 2 màu đỏ; gạo thảo dược 3 màu nâu; gạo thảo dược 4 màu vàng. Với cách nghĩ, cách làm khoa học trong lĩnh vực nhân giống cây lúa, “vẽ màu” cho hạt gạo, tôi tin người CCB, doanh nhân Phan Văn Hòa sẽ thành công với ý tưởng táo bạo của mình.