Tù mù chất lượng Ensure nước
Dù nhà sản xuất Abbott (Mỹ) ghi rõ trên nhãn mác “Không được bán tại Việt Nam và Mexico”, nhưng loại dinh dưỡng này vẫn dễ dàng “lọt” vào nước ta.
Trong khi người tiêu dùng phải chịu mức giá đắt đỏ nhưng chất lượng loại dinh dưỡng này chưa được kiểm định về an toàn thực phẩm.
Độc quyền, thổi giá
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), hiện trên thị trường, mặt hàng chất dinh dưỡng nhãn hiệu Ensure dạng nước vẫn được nhập khẩu và phân phối ra thị trường dù không đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm và các quy định về nhập khẩu.
Cụ thể, sau khi được cơ quan hải quan cho phép doanh nghiệp đưa hàng hóa về tự bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chất lượng để được thông quan chính thức, doanh nghiệp đã tự ý giải tỏa và đưa hàng hóa ra thị trường tiêu thụ. Chất dinh dưỡng Ensure là mặt hàng thực phẩm nhưng doanh nghiệp đã đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường khi chưa có kết quả kiểm tra chất lượng và chưa được Bộ Y tế cấp xác nhận công bố chất lượng sản phẩm.
Nhà sản xuất (Cty Abbott Laboratorie - Hoa Kỳ) và Cty TNHH Dinh dưỡng 3A có dấu hiệu tạo thế độc quyền trong việc phân phối sản phẩm Ensure nước tại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đầu năm 2013, Cty Abbott Laboratorie đã in bổ sung trên nhãn hàng hóa của sản phẩm Ensure dạng nước hương Vanilla (là loại sản phẩm mà thị trường Việt Nam tiêu thụ nhiều) dòng chữ “not to be sold in Vietnam or Mexico” (không bán tại Việt Nam và Mexico). Sau khi mặt hàng này không được nhập khẩu vào Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm tương tự do Cty TNHH Dinh dưỡng 3A đã tăng 63%. Giá bán sản phẩm này cao gần gấp đôi giá bán của sản phẩm tương tự.
Theo văn bản của Ban chỉ đạo 389, để tìm cách đưa sản phẩm Ensure nhập vào Việt Nam, một số doanh nghiệp đã lợi dụng các quy định còn sơ hở trong việc hướng dẫn hồ sơ xin cấp xác nhận công bố chất lượng sản phẩm để làm giả các chứng từ, tài liệu xin xác nhận công bố chất lượng (như chứng nhận lưu hành sản phẩm tự do tại Mỹ - bản CFS).
Sau khi Bộ Y tế không cho phép các đơn vị kiểm tra chất lượng (tháng 8/2014) đối với sản phẩm Ensure nước có in dòng chữ “not to be sold in Vietnam or Mexico” đồng nghĩa với việc không được nhập khẩu. Tình hình buôn lậu mặt hàng này ngày càng gia tăng. Tổng kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong năm 2013 với riêng Ensure nước khoảng 700 tỷ đồng. Trong đó, Cty TNHH Dinh dưỡng 3A (nhà phân phối chính thức của Cty Abbott Laboratorie) nhập khẩu trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Tình hình nhập lậu như hiện nay mỗi năm làm thất thu tiền thuế khoảng 40-50 tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2014, Ban Chỉ đạo 389 triệt phá đường dây tiêu thụ nhiều thùng sản phẩm dinh dưỡng sữa Ensure hương vanilla. Trên thùng và vỏ hộp ghi rõ tập đoàn Abbott Laboratories (Hoa Kỳ) sản xuất. |
Ai tiếp tay cho Ensure?
Trước thực trạng trên, ông Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 389 vừa ký văn bản gửi ba bộ (Tài chính, Công Thương, Y tế) về việc quản lý hoạt động nhập khẩu, lưu thông mặt hàng chất dinh dưỡng Ensure nước. Theo đó, Ban chỉ đạo 389 yêu cầu Bộ Y tế làm rõ với Cty Abbott Laboratories về chất lượng của loại sản phẩm sữa Ensure mà trên bao bì có in dòng chữ “not to be sold in Vietnam or Mexico”.
Nếu việc ghi dòng chữ trên chỉ nhằm mục đích chống nhập lậu và sản phẩm này vẫn đang được lưu hành tự do tại nước sản xuất và đảm bảo an toàn cho người dùng, trong đó có người Việt Nam thì có biện pháp đề nghị Cty Abbott Laboratories thay dòng chữ mang tính “kỳ thị, phân biệt” trên bao bì sản phẩm.
Bộ Y tế xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để cho phép các doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện được phép nhập khẩu song song các sản phẩm này để tránh sự độc quyền trong việc phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, Bộ Y tế xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc kiểm tra chứng từ, tài liệu của hồ sơ cấp xác nhận công bố sản phẩm đối với sản phẩm Ensure nước.
Với Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 yêu cầu xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc cho phép các doanh nghiệp được tạm giải tỏa các lô chất dinh dưỡng Ensure nước. Việc cho tạm giải tỏa đã tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa chưa đủ điều kiện nhập khẩu và an toàn thực phẩm ra tiêu thụ ngoài thị trường.
Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xử lý việc mua, bán sản phẩm Ensure nước nói trên (là loại hàng hóa không được phép nhập khẩu).
Ban chỉ đạo 389 yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế xem xét, kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp đang có hoạt động nhập khẩu mặt hàng chất dinh dưỡng Ensure nước.
(Theo Tiền phong)
Sữa Ensure: Scandal tiếp nối scandal
Sản phẩm sữa Ensure đã gặp khá nhiều những rắc rối liên quan đến giá thành, chất lượng, thương hiệu khiến người tiêu dùng hoang mang. Những scandal này liệu bao giờ mới kết thúc?
1. Sữa Ensure lẫn lộn chuyện được bán hay không
Theo Dantri, đại diện hãng sữa Abbott (Mỹ) đã có công văn gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Song Nam có hành vi giả mạo hồ sơ để nhập khẩu một số sản phẩm sữa Ensure.Trong công văn gửi các cơ quan chức năng Việt Nam, Abbott khẳng định không hề ủy quyền cho công ty Song Nam để nhập khẩu, bán sữa Ensure hay bất kỳ sản phẩm nào của Abbott tại Việt Nam. Abbott cũng tố cáo tài liệu Song Nam sử dụng để hợp pháp hóa việc nhập khẩu sữa đã giả mạo con dấu của Abbott. Lời khẳng định từ chính hãng sản xuất đòi hỏi các cơ quan phải vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.
Thông tin chính xác từ hãng sản xuất về loại sữa Ensure Nutrition Shake là dòng sản phẩm không được phép phân phối tại thị trường Việt Nam.Cũng theo Abbott, hàng trôi nổi không được phân phối và vận chuyển theo tiêu chuẩn và sự giám sát của nhà sản xuất có thể khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng, không còn đạt tiêu chuẩn, thành phần và an toàn cho người sử dụng như cam kết của hãng. Vì vậy Abbott Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có nhãn 3A là công ty phân phối chính thức của Abbott tại Việt Nam để đảm bảo chọn đúng sản phẩm chất lượng dành cho người Việt.
Sữa Ensure có dòng cảnh báo "Không được bán ở Việt Nam" |
2. Loạn giá với sữa thật giả
Theo Nguoilaodong, giá sữa nước Ensure trên thị trường đang có sự chênh lệch lớn giữa các điểm bán, có khi lên đến 65%. Hàng nhập lậu khá nhiều khiến người dân hoang mang, không biết phải mua sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo ở đâu.
Khảo sát tại siêu thị Sài Gòn cho thấy sữa nước Ensure đang được bán giá 45.000 đồng/chai, trong khi siêu thị Lotte bán đến 53.000 đồng/chai. Còn hàng của Công ty Song Nam và hàng lậu chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống do giá tốt hơn và hàng lậu thường rẻ hơn khoảng 10% so với hàng của Công ty Song Nam.
Sữa Ensure được bán tràn lan với các mức giá chênh lệch nhau khá lớn |
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tạm giữ 22.432 chai sữa nước các loại PediaSure, Ensure, đa phần là đang trên đường vận chuyển bằng xe máy hoặc xe buýt trên Quốc lộ 22 (huyện Củ Chi). Một cán bộ quản lý thị trường lâu năm tại TP HCM cho biết cùng với thuốc lá và mỹ phẩm, sữa nước Ensure là mặt hàng được giới buôn lậu “đánh hàng” mỗi ngày do chênh lệch giá lớn và bán rất chạy. “Nguồn hàng chủ yếu từ biên giới Tây Nam về, một phần được các đối tượng thuê CMND và gom hàng từ siêu thị miễn thuế” - vị cán bộ này nói.
Tuy nhiên, Ngày 9-12, trên website bán hàng online của Wallmart (nhà bán lẻ lớn nhất thế giới) tại thị trường Mỹ, sữa Ensure Nutrition Shake (hương vani và hương chocolate) được niêm yết giá 19,97 USD/thùng 16 chai, quy đổi theo tỉ giá 21.150 đồng thì chỉ tương đương 26.400 đồng/chai. Từ đó cho thấy, giá sữa Ensure có sự chênh lệch khá nhiều tại các điểm bán và các nước khác nhau.
3. Xuất hiện sữa Ensure, Pediasure bị 'rút ruột', giá không đổi
Theo baovephapluat, thông tin sữa Ensure, Pediasure loại dành cho em bé từ 1 đến 10 tuổi giảm trọng lượng từ 900g xuống 850g nhưng giá không đổi. Theo đó, mẫu mã các sản phẩm sữa vẫn như cũ, thành phần công thức sữa không có gì mới và giá cũng vẫn vậy, điều khác biệt duy nhất là trọng lượng hộp sữa đã bị giảm xuống từ 900g còn 850g.
Theo các đại lý sữa, thông tin từ công ty cho biết, lần thay đổi trọng lượng này là do thống nhất khối lượng toàn cầu tất cả đều là 850g. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh sẽ có quy định áp trần giá sữa, lần thay đổi này đang đặt ra nhiều nghi vấn và câu hỏi.
4. Sữa Ensure thối, bốc mùi
Theo kienthuc.vn, đã có khách hàng khiếu nại việc mua sữa ensure dạng nước có nguồn gốc rõ ràng, nhà phân phối phản pháo hàng giả. Vậy thực hư chuyện này thế nào?Liên quan đến 2 lon sữa Ensure chưa hết hạn đã bốc mùi, khiến người tiêu dung bức xúc và rất lo lắng về sản phẩm này. Để làm rõ sự thật, PV đã chụp lại hình ảnh 2 lon sữa và gửi hình ảnh tới ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc kinh doanh Cty TNHH Dinh Dưỡng 3A.
Hoảng hồn khi đổ sữa Ensure ra bát toàn chất lạ. |
Sau khi nhận được thông tin, phía ông Vương và nhà sản xuất, phân phối đều phủ nhận sản phẩm đó là của chính hãng, àm chỉ là hàng giả, trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, khách hàng phản ánh là chị Bích Ngọc bức xúc: “Tại sao trên các hộp sữa ấy lại có in hình và cả số điện thoại của nhà phân phối (thực tế liên hệ vào số điện thoại này thì đúng là số của nhà phân phối - PV). Tôi thường xuyên mua sữa Ensure ở cửa hàng tự chọn ở khu D11, phố Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội và uống rất nhiều. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì 2 lon sữa ấy lại bốc mùi thối như vậy?”.
Theo khảo sát của PV với một số khách hàng thường mua sữa Ensure, đều nhận được câu trả lời: “Chúng tôi thường mua sữa này, tuy nhiên khi biết hãng Ensure có nhiều hàng giả, hàng nhái thì chúng tôi không mua nữa. Chúng tôi không biết sữa Ensure thật hay giả, nhưng chúng tôi thấy rất nhiều sản phẩm mang biểu tượng của sữa này kém chất lượng được các báo đăng tải”.
(Theo VietQ)